Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
08/07/2021
Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể chế rõ chủ trương ưu tiên chăm sóc, dành tối đa nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống người có công với cách mạng.
Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 Điều. Trong đó, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng. Từng đối tượng và người có công được hưởng chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hỗ trợ cải thiện nhà, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi để kinh doanh, miễn giảm thuế…
Điểm mới đáng chú ý của Pháp lệnh là đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Cụ thể như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Phương Hà (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ LĐTBXH)