18/07/2023
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Sóc Trăng về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều ngày 17/7/2023, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn đầu Đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp Đoàn giám sát có các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Báo cáo với Đoàn giám sát, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, tổng vốn huy động từ năm 2021 đến năm 2023 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 9 ngàn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 136 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 654 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 88,89% kế hoạch), 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 50% kế hoạch), chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 50% kế hoạch). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 43,4 triệu đồng/người (tăng 1,1 lần so với năm 2020).
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh có 63 đơn vị cấp xã và 128 ấp được thụ hưởng. Tỉnh đã tập trung xây dựng 63 công trình lộ, cầu giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ; 04 công trình nước sạch tập trung; hỗ trợ 197 hộ chuyển đổi ngành nghề. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ đất ở cho 231 hộ, nhà ở cho 623 hộ, đất sản xuất cho 230 hộ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng đạt được những kết quả tích cực, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%), trong đó giảm 3.031 hộ nghèo là đồng bào Khmer; giảm 3.527 hộ cận nghèo, trong đó giảm 1.353 hộ cận nghèo là đồng bào Khmer. Năm 2022 giải quyết việc làm cho 946 lao động, đạt 15,77% kế hoạch; đào tạo nghề cho 758 người, đạt 21,66% kế hoạch. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%, đạt 97,46% kế hoạch…
Tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Đoàn giám sát đề xuất với Quốc hội và Chính phủ xem xét, bố trí vốn cho một số dự án, tiểu dự án theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hàng năm của tỉnh; xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo lộ trình phân bổ vốn năm sau nhiều hơn năm trước sẽ càng thừa vốn so với thực tiễn đối tượng thụ hưởng, do đó cần có cơ chế giao cho địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn từ dự án thừa vốn do không còn đối tượng thụ hưởng sang dự án khác cho phù hợp với thực tiễn…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh cho biết sau khi đi khảo sát thực tế cơ sở, Đoàn giám sát nhận thấy dù còn những hạn chế nhất định, nhưng điều đáng ghi nhận trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Sóc Trăng là kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng hoàn thiện; hệ thống y tế, giáo dục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Đồng chí Nguyễn Thúy Anh đề nghị địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát để đưa vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Đoàn giám sát cũng tiếp thu những kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng, sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có sự chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tiễn./.
PHƯỚC LIÊU