Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay, tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát; vấn đề cạnh tranh, xung đột ở một số quốc gia dẫn đến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, suy giảm tăng trưởng, hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: CHÍ BẢO
Trước bối cảnh và tình hình đó, phát huy những thuận lợi từ nền tảng đổi mới, phát triển của các nhiệm kỳ trước và với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương để cụ thể hoá, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 5,76%/năm, đạt 72% chỉ tiêu nghị quyết; GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 60,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao ước tính đến cuối năm 2023 là 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết. Sản lượng thủy, hải sản ước tính đến cuối năm 2023 đạt 362.000 tấn, đạt 86,81% chỉ tiêu Nghị quyết. Đến cuối năm 2023 có 70 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,11% chỉ tiêu Nghị quyết, có 05 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,3% chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị xuất khẩu hàng hoá ước tính đến cuối năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết. Ước tính đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 02%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 03%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: CHÍ BẢO
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 23 chỉ tiêu, trong đó, có 19 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, ước tính đến cuối năm 2023 có 3/19 chỉ tiêu đạt và vượt, 7/19 chỉ tiêu gần đạt; ước tính đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 6/19 chỉ tiêu vượt, 10/19 chỉ tiêu đạt, có 3/19 chỉ tiêu khó đạt.
Phát biểu chỉ đạo, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV. Đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cũng đã gợi mở nhiều vấn đề để hội nghị tập trung thảo luận, trong đó yêu cầu tỉnh xác định rõ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đưa tỉnh Sóc Trăng bứt phá đi lên, trong đó cần quan tâm phát triển kinh tế ven sông Hậu, kết nối với Cảng biển Trần Đề; phát triển du lịch văn hóa tâm linh; bảo vệ thương hiệu gạo ST25. Quan tâm xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới, như: khẩn trương rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là đối với các chỉ tiêu khó đạt (chỉ số sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi); cần khai thác tối đa, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Trung ương, của Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long để bứt phá đi lên, khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi Trần Đề.
Đối với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án, dự án, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức theo hướng ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa đặc sản và cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Tiếp tục phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá - xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh uỷ. Từng đồng chí cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo càng cao thì trách nhiệm phải càng lớn, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề nghị các đồng chí bám sát các chủ trương của Trung ương; cụ thể hoá sát với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của tỉnh; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành Trung ương. Trong thực thi nhiệm vụ phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực chất; thực hiện nghiêm các phương thức lãnh đạo và nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; giải quyết công việc bảo đảm đúng phương châm “đúng vai, thuộc bài”, không chồng chéo chức năng nhưng cũng không bỏ sót nhiệm vụ...
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, sự kỳ vọng của Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cũng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo và nỗ lực cao nhất, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, làm động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ và Nhân dân tin tưởng giao phó, phấn đấu đưa tỉnh Sóc Trăng vượt qua khó khăn, thách thức và phát triển bền vững trong thời gian tới./.
CHÍ BẢO