Đến Phong Nẫm càng thấy rõ quê hương nay đã đổi khác rất nhiều. Là người gắn bó với xã đảo này, ông Võ Ngọc Diệp ở ấp Phong Hòa nhớ rất rõ những năm đầu tái lập tỉnh, Phong Nẫm là một xã nghèo, đời sống bà con còn khó khăn, chưa có điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, hệ thống giao thông, đê bao, trường học, trạm y tế, chợ chưa được đầu tư, thế nhưng chỉ sau gần 10 năm khi công trình điện lưới quốc gia vượt sông Hậu về cù lao Phong Nẫm năm 1999 đã đánh dấu sự thay da đổi thịt của quê hương xã đảo này. Tiếp đến là công trình đê bao khép kín toàn xã năm 2005 với tổng chiều dài 52 km; công trình đường ô tô đến trung tâm xã dài 6km đưa vào sử dụng năm 2011; nhà ghi tên liệt sĩ và trạm y tế xã cũng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016; trạm cấp nước tập trung và nhiều công trình quan trọng khác đã phục vụ thiết thực sinh hoạt và sản xuất của người dân, góp phần cho nông thôn thêm khởi sắc. Những năm 1992, xã hoàn toàn không có điện, phải xài đèn dầu, đường xá thì mùa mưa sình lầy dữ lắm, đê bao chưa có nên mùa nước nổi là nước tràn vào vườn cây ăn trái của người dân hết. Nhưng nhờ nhà nước đầu tư hệ thống điện, giao thông và nhiều công trình khác mà giờ đây xã đã thay đổi rất nhiều, đời sống bà con cũng từ đó được nâng lên rõ rệt, ông Võ Ngọc Diệp chia sẻ thêm.
Do đặc điểm là vùng đất trũng thấp nên sau quá trình khai phá và đến khi tái lập tỉnh 1992, Phong Nẫm vẫn là vùng đất nghèo, có diện tích đất trồng lúa thấp nhất huyện Kế Sách, cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn nhưng lại trồng phân tán, thêm vào đó dịch bệnh trên cây xuất hiện nhiều nên diện tích vườn kém hiệu quả chiếm số lượng lớn. Những năm trước, cây màu chủ lực của Phong Nẫm là đậu nành. Nhưng do giá cả bấp bênh nên dù năng suất cao nhưng cũng không thể giúp bà con nơi đây cải thiện kinh kế. Và đó là chuyện của nhiều năm trước, nhưng nay xã Phong Nẫm đã thật sự chuyển mình trên nhiều phương diện, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét, trong đó các con lộ dọc theo toàn bộ tuyến đê đã được đan hóa 100% và nối liền các con đường đi vào khu dân cư, từ đó giúp bà con đi lại dễ dàng hơn và hỗ trợ cho việc mua bán, làm ăn. Đặc biệt tuyến lộ nhựa nối liền trung tâm xã đến bến phà qua An Lạc Thôn với chiều dài hơn 2 cây số đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay đã giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, nhất là trong chuyện mua bán, làm ăn. Dọc trên tuyến đường này có thể thấy rõ bộ mặt thay đổi của từng hộ gia đình. Với nhà cửa khang trang, hàng rào trước sân nhà được chỉnh trang bắt mắt... góp phần cho nông thôn thêm khởi sắc. Trong lĩnh vực sản xuất, tình trạng trồng cây ăn quả phân tán đã phần nào được hạn chế. Nhiều gia đình đã bắt đầu quy hoạch trồng cây theo hướng tập trung như vườn măng cụt, vườn sầu riêng, nhãn, cam, chôm chôm... với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng trong 1 năm.
Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phong Nẫm được đầu tư nâng cấp xây mới
Hiện nay, toàn xã Phong Nẫm có trên 658 ha vườn cây ăn trái, trong đó các loại cây chủ lực như nhãn, vú sữa tím, xoài, măng cụt, mận An Phước. Địa phương đã quy hoạch vùng trồng thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà vườn, từ đó nâng cao giá trị nông sản, đem lại thu nhập khá cao cho nhà vườn. Thêm vào đó, nhờ đầu tư hệ thống giao thông liên ấp, liên xã nên việc vận chuyển hàng hóa, nhất là trái cây của người dân đi các địa phương khác thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, dù nằm tách biệt với đất liền nhưng xã có lợi thế về thông thương với 2 tỉnh là Trà Vinh và Vĩnh Long bằng những chuyến phà thông thương nên người dân của xã đã tiêu thụ tốt trái cây khi đến mùa thu hoạch. Tận dụng điều kiện sẵn có, Phong Nẫm phát triển lĩnh vực sinh thái sông nước miệt vườn. Nhiều nhà vườn đã nhạy bén trong chuyện làm ăn, ngoài hái trái bán cho các thương lái, nhà vườn còn mở dịch vụ cho khách đến tham quan, chụp hình và hái trái ăn tại vườn, từ đó đã thu hút rất nhiều du khách đến với xứ cù lao này.
Ông Nguyễn Văn Khen - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đạt 15/19 tiêu chí, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển, góp phần nâng cao thu nhập người dân, văn hóa xã hội chuyển biến tích cực. 100% tổng số hộ dân toàn xã có điện thắp sáng, 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, hộ nghèo từ 10% năm 2010 giảm còn hơn 3% năm 2021; công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Hiện 4 ấp của xã đã được huyện công nhận và tái công nhận danh hiệu văn hóa.
Phong Nẫm vùng đất xa xôi, nghèo khó của huyện Kế Sách ngày nào giờ đang từng bước thay da đổi thịt. Đường xá thông thoáng dù là những tuyến đường trên mặt đê cao, quanh co, uốn lượn nhưng đã được tráng xi măng bằng phẳng nối liền đến các ấp. Và dọc theo những tuyến đường đó là màu xanh của những vườn cây ăn trái có giá trị cao, đây sẽ là tiền đề vững chắc cho xã đảo này thêm phát triển trong tương lai.
Phương Anh