25/03/2022
Mỹ Tú: Hội thảo đánh giá mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất mía “Dự án trồng dứa MD2”
Sáng ngày 24/3, UBND xã Long Hưng (Mỹ Tú) phối hợp Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây - WESTFOOD tổ chức hội thảo đánh giá mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất mía “Dự án trồng dứa MD2”. Tham dự có ông Nguyễn Thanh Điền - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện; lãnh đạo các ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn trong huyện cùng chính quyền địa phương và bà con nông dân trên địa bàn.
Các đại biểu đã đến tham quan thực tế mô hình trồng dứa MD2 của hộ ông Nguyễn Vũ Khanh, ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1 ha, sau hơn 18 tháng gieo trồng, đến nay đã thu hoạch vụ đầu tiên, cho thấy năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt yêu cầu. Ước lợi nhuận vụ đầu khoảng 147 triệu đồng/ha. So với cây mía, cây tràm lợi nhuận cao hơn gấp 3-4 lần, về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phân bón đơn giản và dễ trồng hơn so với một số loại cây khác.
Tại hội thảo, đại diện Công ty WESTFOOD đã giới thiệu thêm về đặc tính của giống dứa MD2, các chính sách của công ty và hình thức hợp đồng của công ty với hộ dân tham gia mô hình; đồng thời giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của bà con nông dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi trồng dứa MD2…
Quang cảnh buổi hội thảo đánh giá “Dự án trồng dứa MD2”
Ông Nguyễn Thanh Điền - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 6 ha diện tích trồng dứa MD2 và đang chuẩn bị thực hiện liên kết sản xuất thêm 14 ha. Hiện tại, Mỹ Tú đang có chính sách hỗ trợ cho hộ dân tham gia chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa MD2 là 15 triệu đồng/ha, phấu đấu quy hoạch vùng sản xuất đạt 50 ha vào cuối năm 2022.
Qua thực tế, giống dứa MD2 đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất trũng thấp này. Cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to. Dự án trồng dứa MD2 được triển khai thành công đã tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích vùng dứa thương phẩm, làm phong phú cơ cấu cây trồng cho vùng trũng phèn xã Long Hưng; tạo ra một nghề mới góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần thay đổi tư tưởng tập quán sản xuất nhỏ lẻ của các nông hộ; thúc đẩy hình thức sản xuất mang tính hợp tác liên kết trong sản xuất một cách bền vững hơn./.
Quốc Tuấn