Nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai nguồn thủy sản chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho nông dân. Hình thức nuôi tôm có sự đầu tư và quản lý cao về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi cũng khá hoàn thiện, quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy đó là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Do đó cần quảng bá các giải pháp tiết kiệm điện, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện, giảm chi phí đầu vào cho các hộ dân nuôi tôm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Theo phân tích của các chuyên gia về tiết kiệm điện, cánh quạt dùng trong nuôi tôm thường được gắn cố định trên thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa (đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất) hoặc các tấm ván khoét lỗ (đối với dàn quạt sử dụng phao nổi). Với các thiết bị này, khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra độ ma sát rất lớn, độ ma sát càng tăng sẽ làm tăng nhiệt độ động cơ, từ đó gây ra tổn thất làm tăng trở kháng trong động cơ… do đó, đòi hỏi người nuôi tôm phải sử dụng motor điện công suất lớn, dẫn đến chi phí điện cao.
Thời điểm năm 2015 có trên 70% các hộ nuôi tôm sử dụng gối đỡ cho gối đỡ chữ U đỡ trục quay dàn quạt oxy (mô hình truyền thống). Khi sử dụng gối đỡ chữ U để đỡ trục quay của dàn quạt làm tăng ma sát tại các vị trí đỡ trục quay làm động cơ chạy nặng hơn, tốn điện nhiều hơn và mau hỏng trục quay (tuýp sắt). Nhận thấy việc hỗ trợ các hộ nuôi tôm bằng giải pháp hạn chế mức tiêu thụ điện năng, ngoài hiệu quả tiết kiệm điện sẽ giảm áp lực và đảm bảo yêu cầu cung ứng điện đủ và ổn định trên địa bàn. Công ty đã phối hợp với Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh triển khai thực hiện 2 giải pháp, gồm:
Giải pháp 1: Mô hình cải tiến chuyển đổi từ sử dụng ổ trục ma sát trượt (chữ U) sang sử dụng ổ trục ma sát lăn (gối đỡ con lăn). Sử dụng gối đỡ con lăn để đỡ trục quay của dàn quạt oxy trong nuôi tôm sẽ làm giảm ma sát khi dàn quạt quay góp phần tiết kiệm điện tiêu thụ của động cơ và tăng thời gian sử dụng trục quay (tuýp sắt). Qua thử nghiệm thực tế: Nếu sử dụng dàn quạt không đồng trục sử dụng gối đỡ con lăn so sánh với dàn quạt sử dụng gối đỡ chữ U (mô hình truyền thống) lượng điện năng tiết kiệm là 15,2%.
Dàn quạt lắp đặt gối đỡ con lăn loại treo
Giải pháp 2: Mô hình sử dụng gối đỡ con lăn để đỡ trục quay của dàn quạt và điều chỉnh trục quay của động cơ đồng trục (cùng phương) với trục quay của dàn quạt. Sử dụng dàn quạt đồng trục (trục dàn quạt được nối trực tiếp với trục động cơ cùng phương với nhau) kết hợp sử dụng gối đỡ con lăn so sánh kết quả chạy thử nghiệm với dàn quạt không đồng trục, sử dụng gối đỡ chữ U (mô hình truyền thống) lượng điện năng tiết kiệm lên đến 38,7%.
Dàn quạt đồng trục và lắp đặt gối đỡ con lăn loại đỡ
Từ những giải pháp và kết quả thực tế, Công ty đã báo cáo và trình các giải pháp với Tổng công ty Điện lực miền Nam (Tổng công ty). Nhận thấy tầm quan trọng của giải pháp giúp hạn chế mức tiêu thụ điện năng, hiệu quả tiết kiệm điện sẽ giảm áp lực về đảm bảo yêu cầu cung ứng điện đủ và ổn định trên địa bàn khu vực nuôi tôm, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và ngành điện, nâng cao vị thế ngành vì một cộng đồng phát triển..., Tổng công ty đã triển khai thực hiện thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng “Chương trình Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018”.
Từ khi triển khai Chương trình này, Công ty đã hỗ trợ cho 883 hộ dân nuôi tôm ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu được 543,67 hecta với 26.378 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo) tổng chi phí là 1,4 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng số liệu đối với 161 hộ thí điểm đợt 1 tại tỉnh Sóc Trăng có theo dõi sản lượng điện tiết kiệm. Kết quả các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 572.004 kWh khi sử dụng giải pháp 1 (mức tiết kiệm là 15,2%), tương ứng với số tiền tiết kiệm hơn 951 triệu đồng/ 1.456.351 kWh; nếu áp dụng giải pháp 2 (mức tiết kiệm là 38,7%), tương ứng số tiền tiết kiệm gần 2,5 tỷ đồng/ năm. Đồng thời giúp ngành Điện giảm bớt được áp lực về cung cấp điện khi các hộ nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) và tiết kiệm điện.
Mô hình “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đã đạt giải Nhất cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng năm 2018 do Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng tổ chức trao giải, Bộ Công Thương công nhận sáng kiến và khen thưởng./.