Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ số, ông Công đã mài mò, học hỏi để việc dùng internet, smartphone thành thạo và tận dụng tốt những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ nông sản do chính mình làm ra.
Đối với hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh, ông Công chia sẻ: hệ thống gồm máy bơm điện, đường ống cách nhau 4 mét có một vòi phun, công tắc IP điều khiển wifi tầm xa, một cái điện thoại thông minh có kết nối mạng wifi, 4G. Thời gian triển khai lắp đặt hệ thống khoảng 2 ngày, chi phí 5.800.000 đồng/1.000 m2.
Hệ thống điều khiển trạm bơm kết nối công tắc IP và smartphone
Điểm độc đáo nhất của hệ thống là có thể chủ động tưới nước cho vườn cây ở mọi lúc mọi nơi. Cụ thể, có thể điều khiển việc tưới cây bằng điện thoại thông minh thông qua kết nối công tắc IP được lắp trong nhà có kết nối wifi với phần mềm điều khiển cài trên điện thoại di động. Khi muốn tưới cho vườn cây, dù đang ở nơi đâu hay đang ăn cơm, uống cà phê, chỉ cần có sóng điện thoại sẽ thao tác trên điện thoại để điều khiển hệ thống phun nước.
Điều khiển hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước tầm xa bằng smartphone
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế, ông Công cho biết từ khi thực hiện hệ thống này giúp ông giảm thời gian tưới nước cho 3.500 m2, nếu dùng công lao động một người phải mất 10 giờ thì nay chỉ còn 10 phút/3.500 mét vuông. Về chi phí tưới nước cũng giảm rất đáng kể, tiền điện tiêu thụ 0,3 kWh/ngày x 2.500đ/kWh = 750 đồng/ngày, một tháng tiêu tốn 22.500 đồng tiền điện phục vụ tưới tiêu.
Việc ứng dụng mô hình này giúp tiết kiệm thời gian, giảm công lao động cho nhà vườn, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn, tiết kiệm lượng nước tưới, ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay. Ngoài ra, hệ thống dễ làm có thể tùy chỉnh, cải tiến theo nhu cầu nông dân, giá thành không cao, tuổi thọ có thể đạt 20 năm nếu thiết kế đúng quy cách. Nông dân có thể nhân rộng nhiều nơi và áp dụng cho nhiều loại cây trồng khác. Trong thời gian tới ông Công tiếp tục cải tiến và lắp đặt hệ thống này cho các vườn còn lại của gia đình và của các nông dân hợp tác trồng chanh leo ngọt trên địa bàn trong tỉnh Sóc Trăng và cả nước.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, ông Công còn ứng dụng Internet trong kinh doanh cây giống và chanh leo ngọt. Thay vì bán cây giống chanh leo và các loại cây khác và trái chanh leo ngọt của gia đình bằng hình thức truyền thống giống như các gia đình khác tại địa phương, tức là mang ra chợ, hoặc gọi thương lái đến nhà mua thì ông Công nảy ra ý định kinh doanh bán hàng trên mạng. Vào khoảng năm 2015, năm 2016, ông dành thời gian xây dựng một trang zalo cá nhân và facebook “Chanh leo ngọt Sáu Công” để quảng bá, giới thiệu về chanh leo ngọt trên mạng xã hội. Trên trang cá nhân của mình, ông Công đăng bài viết giới thiệu về kỹ thuật trồng chanh leo ngọt, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh sản phẩm, các bài viết của khách hàng, các bài viết từ các báo, đài … Để bài của mình được gây sự chú ý của độc giả, ông Công thiết kế hình ảnh sinh động, phong phú; “chăm sóc” bài và trả lời khách hàng thường xuyên.
Đến năm 2018, khi việc tiêu thụ chanh leo thuận lợi, ông Công nghĩ ra cách thiết kết thùng mút xốp để dễ dàng vận chuyển sản phẩm đi xa, giúp khách hàng nhận biết đó là một sản phẩm có giá trị (hiện tại ở Việt Nam chưa có sản phẩm chanh leo ngọt vận chuyển theo hình thức trên).
Chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet, việc mua bán sản phẩm chanh leo ngọt có thể đến được tận cửa nhà khách hàng. Ưu điểm của bán nông sản online là không bị giới hạn về diện tích hay thời gian, ông Công có thể đăng bán hàng 24/7 mà không tốn tiền thuê cửa hàng.
Cây giống được đóng thùng bảo quản gửi đến khách hàng trên cả nước
Ông Công chia sẻ: Đến vụ thu hoạch, tôi trực tiếp livestream bán các sản phẩm của mình trên trang Facebook. Khách hàng khắp nơi trên cả nước đặt hàng rất đông, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán hết, cũng có những khách hàng lạ khi tôi chia sẻ live vào các hội, nhóm. Họ mua hàng vì tin tưởng vào nguồn gốc, thấy được quá trình cách chăm sóc, trồng trọt của mình. Có những vụ dù còn cả tháng mới được thu hoạch nhưng khách đã đặt hàng hết cả vườn.
Tuy đứng trước nhiều thách thức, nhưng nông dân, nông nghiệp cũng có không ít cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nông nghiệp 4.0 không hoàn toàn xa vời đối với nông dân nếu nông dân chịu khó học hỏi, tự nghiên cứu, năng động, dám nghĩ, dám làm để trở thành công nhân nông nghiệp của nền sản xuất lớn, nông nghiệp thông minh và thích ứng với nghề nông thời công nghệ 4.0./.